1. TIẾP ĐÓN BỆNH NHÂN NHẬP VIỆN
1.1 Mục đích
Bệnh nhân vào viện thường có trạng thái lo âu, sợ hãi vì vậy điều quan trọng là người điều dưỡng phải tiếp đón bệnh nhân nhiệt tình lịch sự, thông cảm với nỗi lo âu của bệnh nhân làm cho bệnh nhân mới đến cảm thấy dễ chịu, gây ấn tượng ban đầu tốt đẹp cho bệnh nhân.
1.2 Các thủ tục hành chính khi bệnh nhân vào viện:
1.2.1 Trường hợp cấp cứu:
- Chuyển ngay vào phòng cấp cứu, ghi họ tên, tuổi, địa chỉ bệnh nhân, cơ quan và gia đình, ngày giờ, lý do đến phòng khám, ghi lại tên địa chỉ người đưa bệnh nhân đến, phương tiện vận chuyển và tình trạng bệnh nhân.
- Kiểm kê lại tài sản của bệnh nhân để bần giao lại cho người nhà hoặc khoa phòng tiếp nhận bệnh nhân.
1.2.2 Trường hợp bình thường:
Khi bệnh nhân vào viện cần có:
- Giấy giới thiệu của cơ quan y tế tuyến dưới.
- Giấy chứng nhận miễn, trừ viện phí.
- Lập hồ sơ cho bệnh nhân (cần ghi rõ và đủ các mục ở phần đầu bệnh lịch): Tên tuổi, quê quán, lý do vào viện....
- Biên nhận tài sản bệnh nhân đã giữ lại.
1.3 Quy trình nhập viện:
1.3.1 Tiếp đón bệnh nhân tại phòng khám
a) Chuẩn bị phòng đợi
- Phòng phải sạch đẹp, gọn gàng yên tĩnh.
- Đầy đủ ghế cho bệnh nhân ngồi chờ.
- Có tranh ảnh, áp phích cho bệnh nhân xem, đọc trong thời gian chờ
- Phát phiếu vào khám theo thứ tự
b) Chuẩn bị phòng khám
- Sắp xếp phòng khám gọn gàng sạch sẽ đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
- Chuẩn bị bình phong, giường khám bệnh, bàn ghế.
- Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ cho bác sĩ khám bệnh:
Dụng cụ tổng quát: ống nghe, đèn, búa phản xạ, nhiệt kế, huyết áp kế.
Dụng cụ khám chuyên khoa.
- Chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ thủ tục hành chính (hồ sơ bệnh án, sổ theo dõi bệnh nhân ra vào bệnh viện, giấy xét nghiệm...).
c) Tiếp đón bệnh nhân
Tiếp xúc với bệnh nhân
- Chào hỏi bệnh nhân, tự giới thiệu mình với bệnh nhân, gọi tên bệnh nhân một cách thích hợp theo tập quán. Đối với bệnh nhân lớn tuổi không được gọi tên không mà phải gọi cả tên và thứ bậc theo tuổi (bác, ông...). Cách ứng xử và cách nói của điều dưỡng viên sẽ gây ấn tượng rất lớn cho bệnh nhân.
- Hướng dẫn các thủ tục cần thiết trước khi vào khám bệnh.
- Sắp xếp chỗ ngồi cho bệnh nhân ở phòng đợi, mời bệnh nhân vào khám theo thứ tự.
Lưu ý: ưu tiên bệnh nhân cấp cứu, bệnh nhân nặng, người già, trẻ em.
Nhận định bệnh nhân
- Khai thác tiền sử bằng cách phỏng vấn bệnh nhân hoặc thân nhân về thời gian mắc bệnh, bệnh sử hiện tại và bệnh sử trước kia.
- Quan sát bệnh nhân: sử dụng các giác quan: Nhìn, sờ, nghe, ngửi.
Đo các dấu hiệu sinh tồn (nếu là bệnh nhân cấp cứu, điều dưỡng viên phải chủ động xử trí trước khi mời bác sĩ).
Ví dụ: Bệnh nhân khó thở cho nằm đầu cao.
Bệnh nhân tim tái cho thở oxy.
Bệnh nhân hôn mê cho nằm đầu ngửa tối đa nghiêng về một bên.
Mời bác sĩ khám và cho hướng xử trí:
- Hỗ trợ thầy thuốc khám bệnh
- Thực hiện tốt các kỹ thuật chuyên mon theo yêu cầu
Trường hợp bệnh nhân không phải nằm viện:
- Điều dưỡng nhắc nhở bệnh nhân thực hiện nghiêm chỉnh y lệnh điều trị của thầy thuốc.
- Hướng dẫn bệnh nhân biết cách chǎm sóc sức khỏe và phòng các bệnh khác.
Trường hợp bệnh nhân vào viện:
- Làm thủ tục cho bệnh nhân nhập viện.
- Hướng dẫn bệnh nhân vệ sinh cá nhân, giúp bệnh nhân thay quần áo nếu họ không tự làm được.
Đưa bệnh nhân vào khoa điều trị, trường hợp bệnh nhân không đi được dùng cáng hoặc xe lǎn chuyển bệnh nhân.
1.3.2 Tiếp nhận bệnh nhân vào khoa:
a) Chuẩn bị dụng cụ và các phương tiện:
Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cần thiết về thủ tục hành chính và dụng cụ chuyên môn như:
- Bảng kế hoạch chǎm sóc bệnh nhân.
- Phiếu theo dõi bệnh nhân.
- Các dụng cụ: huyết áp kế, ống nghe.
- Giường, quần áo, chǎn màn.
- Các dụng cụ khác như: phích nước, ca, cốc, bát, thìa, bô, bình đái.
b) Nhận bàn giao:
- Bệnh nhân, tình trạng bệnh nhân.
- Hồ sơ bệnh án.
c) Dẫn bệnh nhân vào buồng bệnh:
Giới thiệu giường bệnh nhân và giúp bệnh nhân nghỉ ngơi, an toàn khi vào nằm điều trị, phổ biến nội quy bệnh viện, giới thiệu các nơi để bệnh nhân tiếp xúc khi cần.
- Xếp giường nằm cho bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân nằm ở phòng riêng đóng cửa phòng hoặc kéo bình phong cho kín đáo.
- Cung cấp các dụng cụ cá nhân (nếu cần) nâng thành giường lên đảm bảo an toàn cho bệnh nhận (nếu có).
d) Nhận định quan sát bệnh nhân: Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, cân, đo cho bệnh nhân.
Tình trạng chung của bệnh nhân (đặc biệt là bệnh nhân trẻ em).
- Bệnh nhân tỉnh táo lơ mơ hay li bì.
- Tình trạng da: da xanh hay nhợt nhạt, bầm tím, da khô có lở loét, nhiễm khuẩn.
Tình trạng khó thở, kiểu thở.
- Ho khan hay có đờm, tính chất, màu sắc số lượng đờm.
- Đau: cảm giác, vị trí đau, tính chất đau: âm ỉ, dữ dội.
- Có rối loạn ngôn ngữ không.
- Khả nǎng nghe: (điếc)
- Nhìn (mù lòa, cận thị).
- Các bộ phận giả (rǎng giả, mắt giả, hậu môn nhân tạo...)
- Nghe những than phiền của bệnh nhân.
c) Giải thích hướng dẫn cho bệnh nhân và thân nhân:
+ Cách sử dụng các phương tiện của khoa: bật tắt công tắc điện, quạt, ti vi đài (nếu có), nhà tắm, nhà vệ sinh...
+ Thông báo cho bệnh nhân và thân nhân chấp hành nghiêm chỉnh nội quy khoa phòng.
- Giờ khám bệnh.
- Thường quy đi buồng.
- Giờ vào thǎm.
- Giữ gìn vệ sinh trật tự buồng bệnh, không hút thuốc lá, không gây ồn ào trong buồng bệnh, bỏ các đồ thải vào nơi quy định.
g) Ghi vào hồ sơ bệnh nhân ngày giờ vào viện:
Ghi chép các thông số theo dõi và phiếu theo dõi.
l) Báo cáo với điều dưỡng trưởng và bác sĩ: sau khi hoàn thành các thủ tục tiếp nhận bệnh nhân vào khoa và các dấu hiệu bất thường của bệnh nhân (nếu có).
i) Trợ giúp bác sĩ khám bệnh và làm các xét nghiệm cần thiết
k) Thực hiện tốt các y lệnh điều trị.
2. CHUYểN BệNH NHÂN
2.1 Mục đích:
Trong thời gian nằm điều trị tại bệnh viện do tính chất và quá trình diễn biến của bệnh tật. Khi bác sĩ ra quyết định bệnh nhân có thể được chuyển từ phòng này sang phòng khác, khoa này sang khoa khác hoặc viện này sang viện khác.
Bệnh nhân có thể lo lắng khi bác sĩ yêu cầu chuyển, do đó điều dưỡng viên nên giải thích cho bệnh nhân hiểu được sự di chuyển này sẽ giúp cho bệnh nhân nhận được sự chǎm sóc và điều trị tốt hơn.
2.2 Các thủ tục cần thiết của việc chuyển khoa, chuyển viện.
2.2.1 Chuyển khoa phòng:
- Điều dưỡng viên phải liên hệ với khoa phòng mới để bố trí thời gian chuyển bệnh nhân đến.
- Báo cho y vụ biết để làm mọi thủ tục chuyển bệnh nhân và chuẩn bị phương tiện vận chuyển nếu cần.
- Giải thích cho bệnh nhân và gia đình lý do chuyển và ngày giờ chuyển.
- Khi đưa bệnh nhân đến khoa phòng mới phải bàn giao đầy đủ hồ sơ bệnh án. Phản ánh những đặc điểm về tư tưởng và sinh hoạt của bệnh nhân để khoa phòng mới tiếp tục quản lý. Đưa bệnh nhân tới tận giường bệnh rồi mới trở về.
2.2.2. Chuyển viện:
Điều dường viên phải liên hệ với bệnh viện mới để bố trí thời gian chuyển bệnh nhân đến. Nếu là bệnh nhân cấp cứu thì phải gọi điện thoại báo trước.
Báo cho y vụ biết để làm mọi thủ tục chuyển bệnh nhân và chuẩn bị phương tiện vận chuyển. Chuẩn bị giấy tờ chuyên môn: tóm tắt bệnh án và các tài liệu điều trị (X quang, xét nghiệm, v.v...).
Báo cho bệnh nhân biết ngày giờ chuyển viện, giải thích rõ lý do để bệnh nhân yên tâm, đồng thời báo cho gia đình họ biết. Bàn giao lại cho bệnh nhân đồ dùng tư trang của họ gửi.
- Khi chuyển điều dưỡng viên phải đi cùng với bệnh nhân và có chuẩn bị sẵn phương tiện xử trí khi đi đường (hộp thuốc cấp cứu...).
- Khi đến nơi điều dưỡng viên phải bàn giao đầy đủ giấy tờ và phản ánh những đặc điểm về tư tưởng và sinh hoạt của bệnh nhân để cơ sở điều trị mới tiếp tục quản lý. Đưa bệnh nhân tới phòng khoa, ký nhận bàn giao xong mới về.
2.3. Quy trình chuyển bệnh nhân.
2.3.1 Các phương pháp đặt cáng:
a) Song song.
- Song song gần: Cáng sát với thành giường
- Song song xa: Cáng cách giường bệnh nhân 1 mét.
b) Vuông góc: Chân cáng vuông góc với đầu bệnh nhân.
c) Nối tiếp: đầu cáng nối tiếp với chân giường.
2.3.2 Chuyên khoa, phòng, viện:
a) Giúp bệnh nhân: thu dọn tư trang cá nhân để chuyển đi.
b) Chuyển bệnh nhân đến: khoa mới viện mới cùng với tư trang cá nhân bằng phương pháp vận chuyển an toàn và thích hợp (dìu, cáng, xe đẩy,ô tô...).
c) Bàn giao bệnh nhân với nhân gian khoa mới, viện mới:
- Tình trạng bệnh nhân, các thủ tục hành chính chuyên môn, tư trang của bệnh nhân.
- Ký nhận bàn giao với điều dưỡng của khoa mới, viện mới.
d) Trở về khoa mình báo cáo với điều dưỡng trưởng:
- Bệnh nhân đã chuyển đến khoa mới an toàn.
- Ngày, giờ chuyển.
- Tình trạng bệnh nhân khi di chuyển.
3. BỆNH NHÂN RA VIỆN
Khi ốm đau bệnh nhân chỉ nằm viện trong một thời gian ngắn. Bệnh nhân ra viện thường vẫn còn yếu, mệt, bệnh tật có khả nǎng còn tái phát. Khi bệnh nhân về nhà là giai đoạn hồi phục sức khỏe, giai đoạn này sẽ dài hơn. Lúc này điều dưỡng viên vẫn phải nhiệt tình nhã nhặn và có trách nhiệm hướng dẫn tuyên truyền giáo dục sức khỏe để người bệnh có khả nǎng chǎm sóc bản thân họ tại nhà và nâng cao sức khỏe.
3.1 Các thủ tục cần thiết của việc xuất viện:
- Phải tập trung đầy đủ hồ sơ bệnh án. Có ghi rõ ngày, giờ ra viện và kết quả điều trị.
- Chuyển hồ sơ bệnh nhân lên phòng y vụ để làm thủ tục ra viện.
- Báo cho gia đình hoặc cơ quan bệnh nhân biết để đón bệnh nhân và thanh toán viện phí.
- Dặn dò bệnh nhân những điều cần lưu ý về điều trị phòng bệnh để duy trì kết quả điều trị. Nếu bệnh nhân có khám lại theo định kỳ thì phải báo rõ ngày giờ đến khám lại, giải quyết các thắc mắc của bệnh nhân nếu có.
- Giải thích cho bệnh nhân biết rõ kết quả điều trị, cách điều trị tiếp theo tại nhà, hướng dẫn cách ǎn uống nâng cao thể trạng, chuẩn bị giấy tờ, báo cho gia đình biết trước để đón, thông báo cho bệnh nhân và thân nhân biết về tình hình ra viện, ngày giờ ra viện và thủ tục hành chính.
3.2. Chuẩn bị dụng cụ:
Các phương tiện vận chuyển thích hợp.
3.3 Kỹ thuật tiến hành:
a) Giúp cho bệnh nhân thu gọn tư trang cá nhân và trả lại đồ dùng cho khoa
- Thanh toán viện phí.
- Giúp bệnh nhân thay, mặc quần áo, trả lại quần áo cho viện (đối với trẻ em, người già, tàn tật).
b) Kiểm tra: xem bệnh nhân đã nhận được giấy ra viện, y lệnh của bác sĩ để thực hiện tại nhà, giấy hẹn của bác sĩ hay khoa phòng.
c) Hướng dẫn giáo dục sức khỏe: khuyên bảo bệnh nhân về chế độ ǎn uống, tập luyện.
d) Giúp bệnh nhân: ra khỏi phòng lên xe chào tạm biệt và chúc sức khỏe bệnh nhân.
e) Trở lại khoa thu dọn vải trải giường cho vào túi đựng đồ bẩn
g) Thông báo cho hộ lý biết bệnh nhân đã ra viện để vệ sinh buồng bệnh.
h) Báo cáo cho điều dưỡng trưởng biết đã hoàn thành nhiệm vụ cho bệnh nhân ra viện.
Tác giả: viên Quản trị
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hà Nội – Bắc Giang kính chào quý khách. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hà Nội – Bắc Giang hiện là địa chỉ uy tín về khám, chữa bệnh với đội ngũ chuyên gia- bác sĩ hàng đầu, trang thiết bị hiện đại, cùng phác đồ điều trị hiệu quả. Với phương châm “Vì sức khỏe mọi người”...
Xin mời bạn để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ lại