Bắc Giang: Bảo đảm quy trình sản xuất vải thiều, nâng giá trị sản phẩm

Thứ ba - 23/05/2023 23:09
(BGĐT) - Sản xuất vải thiều bảo đảm các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu (EU), Mỹ, Úc, Trung Quốc và các thị trường truyền thống khác mang lại hiệu quả kinh tế cao. Được sự định hướng, hỗ trợ của cơ quan chuyên môn, năm nay nhiều hộ dân trong tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì, nhân rộng diện tích vải theo hướng này.

Giám sát chặt chẽ
Bắc Giang: Bảo đảm quy trình sản xuất vải thiều, nâng giá trị sản phẩm
Xã Phúc Hòa (Tân Yên) sản xuất gần 700 ha vải thiều sớm, sản lượng ước đạt 9 nghìn tấn. Xã duy trì và mở rộng vùng sản xuất bảo đảm xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Mỹ với 3 mã vùng, diện tích 25 ha (sản lượng khoảng 300 tấn). Đồng thời địa phương đã hoàn thành hồ sơ cấp thêm 3 mã vùng trồng tiêu thụ tại thị trường Thái Lan, Úc, Mỹ với diện tích khoảng 80 ha.
5
Bà Nguyễn Thị Hà (bên trái) loại bỏ bớt quả vải kẹ, lép.

Tìm hiểu tại thôn Quất Du 2, đây là năm thứ ba gia đình bà Nguyễn Thị Hà sản xuất vải thiều bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường cao cấp. Với diện tích 0,5 ha, năm 1997 gia đình bà đã thay thế toàn bộ cây bạch đàn cằn cỗi thành vườn cây vải thiều sớm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Được sự hỗ trợ về kỹ thuật và vật tư nông nghiệp, từ năm 2021 đến nay, gia đình bà sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đến thăm vườn khi vải đang vào giai đoạn kéo cùi, chúng tôi trực tiếp chứng kiến bà Hà dùng kéo cắt bỏ những quả vẹo vọ, sâu bệnh, mã kém, chỉ để lại những quả to, đẹp. 

Nhiều năm nay, thay vì phun thuốc trừ cỏ, công đoạn làm cỏ được bà nhổ bằng tay hoặc dùng máy cày xới đất. Nước tưới vải lấy từ các giếng khoan trong vườn. Bà Hà cho biết, các công đoạn bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh cũng phải tuân thủ nghiêm theo quy định. “Những tác nhân gây hại cho quả vải chủ yếu là sâu đo, sâu róm, sâu đục cuống, nhện lông nhung, rệp muội, bọ xít, sương mai, thán thư. Để phòng ngừa, gia đình tôi ngâm ủ ớt, tỏi, gừng với rượu, kết hợp thêm nước vôi trong và một số loại chế phẩm sinh học do cán bộ khuyến nông xã cấp để phun cho cây”, bà Hà nói.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết, để nâng cao khả năng ra hoa, đậu quả và bảo đảm năng suất, tiêu chuẩn, chất lượng cho vải thiều xuất khẩu, ngành chuyên môn và địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ tất cả các khâu từ sản xuất, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng và của chính nông dân. Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và cán bộ khuyến nông xã thường xuyên xuống vườn tập huấn, kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của quả vải để kịp thời chỉ đạo, khuyến cáo người dân sử dụng biện pháp khoa học, hiệu quả.

Nói không với chất cấm

Xã Tân Lập (Lục Ngạn) có hơn 900 ha vải thiều, trong đó hơn 500 ha theo mô hình VietGAP. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của thời tiết, quá trình rụng quả sinh lý chu kỳ hai mạnh hơn nên dự kiến sản lượng vải sẽ giảm. Để giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, năm nay lần đầu tiên xã Tân Lập áp dụng sản xuất theo mô hình GlobalGAP với diện tích 5 ha. Trong đó, gia đình anh Hoàng Tuấn Huynh, thôn Trại Thập đăng ký 2 ha. Theo anh Huynh, xác định một trong những tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính cần đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên mọi khâu trong quá trình chăm sóc vải đều phải tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn.

Đơn cử như trước đây, khi vườn vải mọc nhiều cỏ dại, anh Huynh có thể dùng thuốc hóa học để diệt trừ nhưng hiện tại chỉ dùng biện pháp thủ công. Hằng tuần cán bộ nông nghiệp của huyện về tận vườn tập huấn cho người dân cách bón phân, phun chế phẩm sinh học bảo đảm an toàn, tỉa cành và ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng, mục tiêu là đến khi lấy mẫu không còn dư lượng thuốc BVTV sẽ được cấp chứng chỉ xuất khẩu.

Theo chị Hoàng Thị Nga, cán bộ khuyến nông xã Tân Lập, để thực hiện thành công sản xuất vải đạt các chứng nhận tiêu chuẩn cao, yếu tố quan trọng nhất là quản lý được đất đai, nguồn nước, không khí, không có nguy cơ ô nhiễm bởi các nhà máy, xí nghiệp, nguồn nước thải khác và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ. Sở dĩ địa phương chọn 5 ha tại thôn Trại Thập để sản xuất vải tiêu chuẩn GlobalGAP vì khu vực này giáp sông, xa khu dân cư, không có hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm gần đó. Nước tưới cho cây vải được bơm từ sông lên các bể chứa tại vườn, nhiều gia đình đầu tư hệ thống tưới phun sương dẫn nước đến gốc cây. Ngoài hỗ trợ cấp chứng chỉ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, huyện Lục Ngạn hỗ trợ 50% thuốc BVTV theo tiêu chuẩn nên đến thời điểm này kết quả thu được rất khả quan.

Năm nay tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh khoảng 29,7 nghìn ha, trong đó diện tích vải sớm 7,7 nghìn ha, vải thiều chính vụ 22 nghìn ha. Ngoài duy trì 178 mã vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu, diện tích gần 16.700 ha, ngành Nông nghiệp tỉnh đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp thêm 45 mã vùng trồng, diện tích hơn 1 nghìn ha, nâng tổng số mã vùng sản xuất vải thiều xuất khẩu năm 2023 lên 223, diện tích 17,7 nghìn ha. Trong đó, thị trường Trung Quốc 123 mã vùng trồng; Nhật Bản 42, Mỹ 17, Thái Lan 22 và Úc có 19 mã vùng trồng.

Tác giả: Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Giới thiệu về bệnh viện

Bài giới thiệu

ĐẶT LỊCH KHÁM

ĐẶT LỊCH KHÁM

Xin mời bạn để lại thông tin, chúng tôi sẽ liên hệ lại


Tin tức nổi bật
BẢN ĐỒ CHỈ ĐƯỜNG
facebook
messenger
zalo
hotline
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây